Siam Commercial Bank (SCB), ngân hàng cho vay lớn thứ tư và lâu đời nhất tại Thái Lan, đã trở thành tổ chức tài chính địa phương đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới dựa trên stablecoin, theo thông tin từ Nikkei Asia vào ngày 16 tháng 10.
Dịch vụ chuyển tiền này sẽ được triển khai thông qua hợp tác với công ty công nghệ tài chính Lightnet, nhằm giảm phí giao dịch và mang đến trải nghiệm chuyển tiền quốc tế nhanh chóng hơn cho khách hàng.
Việc giới thiệu dịch vụ thanh toán dựa trên stablecoin sẽ cho phép khách hàng của SCB thực hiện gửi và nhận thanh toán toàn cầu 24/7. Dịch vụ này đã được thử nghiệm thông qua sandbox tài sản kỹ thuật số của Bank of Thailand để đảm bảo rằng hệ thống đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định và có khả năng mở rộng trong tương lai.
Sự áp dụng thanh toán bằng stablecoin của SCB không chỉ phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ blockchain trong việc tái định hình tài chính toàn cầu, mà còn đặc biệt cần thiết ở những khu vực mà hệ thống ngân hàng truyền thống chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Động thái này dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Thái Lan, đưa SCB trở thành một trong những đơn vị chủ chốt trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong tương lai.
Sự gia tăng áp dụng stablecoin
Theo báo cáo mới nhất về áp dụng toàn cầu từ Chainalysis, stablecoin đã trở thành công cụ quan trọng cho thanh toán xuyên biên giới, đặc biệt tại những khu vực có tiền tệ không ổn định hoặc chi phí chuyển tiền cao. Chúng ngày càng được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia như Brazil, Nigeria và Ấn Độ, nơi hệ thống ngân hàng truyền thống thường không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tại khu vực Châu Phi cận Sahara, stablecoin hiện chiếm 43% tổng số giao dịch tiền mã hóa, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kiều hối và thương mại. Nigeria, trong số đó, đã nổi lên như quốc gia đứng thứ hai toàn cầu về việc áp dụng tiền mã hóa, với stablecoin cung cấp một giải pháp ổn định cho các loại tiền tệ địa phương.
Mặc dù vai trò của stablecoin trong việc thúc đẩy sự hòa nhập tài chính ngày càng quan trọng, song cũng không thiếu thách thức. Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về hiện tượng “Crypto-dollarization”* tại một số khu vực, nơi việc sử dụng rộng rãi stablecoin có thể làm suy yếu chính sách tiền tệ địa phương.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng hơn 70% người được khảo sát kỳ vọng sẽ tăng mức sử dụng stablecoin trong năm tới, nhờ vào hiệu quả, tốc độ và tính tiếp cận của chúng trong các lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới, bảng lương và kiều hối.
*Crypto-dollarization là một thuật ngữ dùng để chỉ quá trình mà các loại tiền mã hóa, như Bitcoin hoặc stablecoin, trở thành phương tiện thanh toán phổ biến hoặc được chấp nhận rộng rãi như một dạng tiền tệ, tương tự như đô la Mỹ. Điều này có thể xảy ra trong bối cảnh các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng tiền truyền thống của họ, đặc biệt là trong các trường hợp mà đồng nội tệ không ổn định hoặc đang mất giá. Crypto-dollarization có thể bao gồm việc sử dụng tiền mã hóa để thực hiện giao dịch, lưu trữ giá trị, hoặc thậm chí thay thế hoàn toàn hệ thống tài chính truyền thống.
Theo Cryptoslate